Lịch sử Thuật chiêm tinh

The Zodiac Man, sơ đồ cơ thể con người với những biểu tượng chiêm tinh, kèm theo đó là chỉ dẫn giải thích về tầm quan trọng của chiêm tinh dưới góc độ y học. Hình ảnh này lấy từ bản thảo tiếng Wales thế kỷ 15

Có nhiều nền văn hóa coi trọng những sự kiện thiên văn. Từ thời xa xưa, người Ấn Độ, người Trung Quốc, người Maya đã phát triển những hệ thống phức tạp để dự đoán sự kiện trần thế bằng cách quan sát thiên thể. Ở phương Tây, chiêm tinh học thường bao gồm hệ thống horoscope nhằm giải thích khía cạnh trong nhân cách con người và dự đoán tương lai cuộc sống của họ dựa trên vị trí của Mặt Trời, Mặt Trăng và các thiên thể khác tại thời điểm họ ra đời. Phần lớn các nhà chiêm tinh học chuyên nghiệp dựa trên những hệ thống như vậy.[6]:83

Chiêm tinh học có niên đại ít nhất là từ khoảng thiên niên kỷ 2 TCN, tại Lưỡng Hà, với nguồn gốc là từ hệ thống lịch được sử dụng để dự đoán sự chuyển mùa và giải thích chu kỳ thiên thể như những dấu hiệu của sự giao tiếp với thần linh.[5] Vedāṅga Jyotiṣa là một trong những văn bản Hindu được biết đến cổ nhất về thiên văn học và chiêm tinh học (Jyotisha). Văn bản có niên đại từ năm 1400 TCN đến những năm cuối cùng TCN, theo nhiều học giả khác nhau dựa trên bằng chứng về ngôn ngữ và thiên văn học. Chiêm tinh học Trung Quốc bắt đầu có hệ thống từ thời nhà Chu (1046–256 TCN). Chiêm tinh học thời kỳ Hy Lạp hóa kể từ sau năm 332 TCN có sự pha trộn với thuật chiêm tinh Decan của Ai Cập ở Alexandria, tạo thành thuật chiêm tinh horoscope. Cuộc chinh phạt châu Á của Alexandros Đại đế đã góp phần truyền bá chiêm tinh học đến Hy Lạp cổ đạiLa Mã cổ đại. Ở La Mã, chiêm tinh học gắn liền với 'trí tuệ của người Chaldea'. Sau cuộc chinh phạt Alexandria vào thế kỷ 7, chiêm tinh học được các học giả Hồi giáo sử dụng, các văn bản thời kỳ Hy Lạp hóa được dịch sang tiếng Ả Rậptiếng Ba Tư. Vào thế kỷ 12, văn bản tiếng Ả Rập du nhập vào châu Âu và được dịch sang tiếng Latinh. Những nhà thiên văn học lớn như Tycho Brahe, Johannes KeplerGalileo đã hành nghề nhà chiêm tinh hoàng gia. Chiêm tinh học cũng được đề cập trong những tác phẩm văn chương của các nhà thơ như Dante AlighieriGeoffrey Chaucer, và các nhà soạn kịch như Christopher MarloweWilliam Shakespeare.

Xuyên suốt phần lớn lịch sử chiêm tinh học, nó được xem là một hệ thống lưu truyền mang tính bác học. Nó được chấp nhận trong ngữ cảnh chính trị và học thuật, có liên kết với những nghiên cứu khác, chẳng hạn như thiên văn học, thuật giả kim, khí tượng họcy học.[7] Cuối thế kỷ 17, những khái niệm khoa học mới trong thiên văn học và vật lý (chẳng hạn như thuyết nhật tâmcơ học Newton) đã đặt nghi vấn về chiêm tinh học. Do đó, chiêm tinh học mất đi vị thế trong học thuật và lý thuyết, và niềm tin phổ biến về chiêm tinh học phần nhiều bị suy giảm.[12]

Thế giới cổ đại

Bài chi tiết: Chiêm tinh học Babylon

Chiêm tinh học, theo nghĩa rộng nhất, là tìm kiếm ý nghĩa của bầu trời.[15]:2,3 Bằng chứng cổ xưa về việc con người nỗ lực có ý thức để đo lường, ghi chép lại, và dự đoán sự chuyển mùa bằng cách tham khảo chu kỳ thiên văn, là từ những dấu tích trên xương và vách hang động, cho thấy rằng chu kỳ Mặt Trăng được ghi nhận sớm nhất từ khoảng 25.000 năm về trước.[16]:81ff Đây là bước đầu của việc hướng tới ghi chép lại ảnh hưởng của Mặt Trăng đến thủy triều và sông ngòi, đồng thời hướng tới việc soạn ra lịch chung.[16] Nông dân giải quyết nhu cầu nông nghiệp bằng cách nâng cao kiến thức về chòm sao xuất hiện trong các mùa khác nhau – và ứng dụng việc quan sát thấy sự mọc lên của một nhóm sao cụ thể để đoán trước lũ lụt hàng năm và hoạt động theo mùa.[17] Đến thiên niên kỷ 3 TCN, các nền văn minh đã có nhận thức phức tạp về chu kỳ thiên thể, và có thể xây dựng đền tại nơi phù hợp với sự mọc cùng Mặt Trời của các vì sao.[18]

Bằng chứng phân tán cho thấy những nguồn tài liệu cổ nhất được biết đến về chiêm tinh học là bản sao của các văn bản được tạo ra trong thế giới cổ đại. Phiến đá Sao Kim của Ammisaduqa được cho là đã soạn thảo ở Babylon vào khoảng năm 1700 TCN.[19] Có một cuộn giấy ghi chép lại việc sử dụng thuật chiêm tinh sự kiện từ thời xa xưa, khả năng cao là thuộc về triều đại của người trị vì Sumer (ensi) là Gudea xứ Lagash (khoảng 2144 - 2124 TCN). Cuộn giấy này mô tả cách mà các vị thần tiết lộ cho Gudea trong một giấc mơ biết về những chòm sao nào sẽ thuận lợi nhất cho việc xây dựng ngôi đền theo ước định.[20] Tuy nhiên, vẫn còn tranh cãi về việc liệu những điều này có thật sự được ghi chép vào thời gian đó không hay chỉ đơn thuần là chuyện do hậu thế thêu dệt nên về người trị vì cổ đại. Do đó, bằng chứng lâu đời nhất không thể chối cãi về việc sử dụng chiêm tinh học như một hệ thống kiến thức tổng hợp, được cho là từ các ghi chép thuộc về triều đại đầu tiên của Lưỡng Hà (1950–1651 TCN). Thuật chiêm tinh này có một số điểm tương đồng với thuật chiêm tinh Hy Lạp thời kỳ Hy Lạp hóa (phương Tây).[21] Người Babylon xem sự kiện thiên thể là báo hiệu cho những chuyện có thể xảy ra hơn là hiện tượng tự nhiên.[21]

Hệ thống chiêm tinh học của Trung Quốc được xây dựng vào thời nhà Chu (1046–256 TCN) và phát triển mạnh vào thời nhà Hán (thế kỷ 2 TCN–thế kỷ 2). Trong đó, tất cả yếu tố quen thuộc của văn hóa truyền thống Trung Quốc như triết lý Âm-Dương, thuyết ngũ hành, Thiên Địa, tư tưởng nho giáo – đều được kết hợp lại với nhau để hợp thức hóa các nguyên tắc triết học của y học Trung Quốc, bói toán, chiêm tinh và luyện đan.[22]:3,4

Tranh cãi thời cổ đại

Nhà hùng biện người La Mã Cicero phản đối chiêm tinh học

Các trường phái hoài nghi triết học thời kỳ Hy Lạp hóa chỉ trích tính hợp lý của chiêm tinh học. Những lời chỉ trích về chiêm tinh học của những người theo chủ nghĩa hoài nghi học thuật như Cicero, CarneadesFavorinus; và người theo chủ nghĩa Pyrrho như Sextus Empiricus, vẫn còn được bảo tồn cho đến ngày nay.

Carneades lập luận rằng niềm tin vào số phận đã phủ định ý chí tự dođạo đức; rằng những người sinh ra vào những thời điểm khác nhau đều có thể chết trong cùng một tai nạn hoặc trận chiến; và trái ngược với việc chịu ảnh hưởng cùng một kiểu từ các vì sao, thì các bộ lạc và nền văn hóa lại có sự khác biệt nhau.[23]

Cicero đưa ra phản đối về song sinh, rằng với thời gian sinh gần nhau, kết cục của mỗi cá nhân rất có thể khác nhau. Quan điểm này sau này được Thánh Augustinus phát triển.[24] Cicero lập luận rằng vì những hành tinh khác ở xa Trái Đất hơn nhiều so với Mặt Trăng, nên chúng có thể chỉ có ảnh hưởng rất nhỏ nếu so với Mặt Trăng.[25] Ông cũng lập luận rằng nếu chiêm tinh học giải thích mọi thứ về số phận con người, thì nó đã sai lầm khi bỏ qua ảnh hưởng có thể thấy rõ của khả năng di truyền và nuôi dạy con cái, những thay đổi về sức khỏe do tác động của y học, hoặc ảnh hưởng của thời tiết đối với con người.[26]

Favorinus lập luận rằng thật phi lý khi tưởng tượng rằng các vì sao và hành tinh sẽ ảnh hưởng đến cơ thể con người như cách mà chúng ảnh hưởng đến thủy triều, và một điều cũng phi lý không kém là những chuyển động nhỏ trên bầu trời lại có thể gây ra những thay đổi lớn trong số phận con người.[27]

Sextus Empiricus cho rằng thật phi lý khi liên kết những gì thuộc về con người với những chuyện hoang đường về cung hoàng đạo.[28] Ông cũng viết cả một cuốn sách có tựa là Pros astrologous soạn ra những lập luận phản bác chiêm tinh học.

Ai Cập thời kỳ Hy Lạp hóa

Bản sao năm 1484 trang đầu tiên của tác phẩm Tetrabiblos do Ptolemaeus viết, được Plato Tiburtinus dịch sang tiếng Latinh. Tác phẩm này là nền tảng của chiêm tinh học phương Tây

Năm 525 TCN, Ai Cập bị người Ba Tư chinh phục. Đai hoàng đạo Dendera của người Ai Cập vào thế kỷ 1 TCN có sự tương đồng với chiêm tinh học Lưỡng Hà, khi đều có cung hoàng đạo Thiên BìnhThiên Yết.[29]

Ai Cập bước vào thời kỳ Hy Lạp hóa khi bị Alexandros Đại Đế chiếm đóng vào năm 332 TCN. Sau cuộc chinh phạt, Alexandros thành lập nên thành phố Alexandria, nơi mà thuật chiêm tinh Babylon pha trộn với thuật chiêm tinh Decan của Ai Cập tạo thành thuật chiêm tinh horoscope. Nó bao gồm thuật chiêm tinh Babylon với hệ thống vượng tinh, bộ ba cung hoàng đạo và tầm quan trọng của nhật thực. Thuật chiêm tinh horoscope sử dụng quan niệm của người Ai Cập để chia đai hoàng đạo thành 36 decan, mỗi decan là 10°. Ngoài ra, nó còn sử dụng hệ thống các vị thần hành tinh của Hy Lạp, những người cai trị cung hoàng đạo và bốn nguyên tố.[30] Những văn bản thế kỷ 2 TCN dự đoán vị trí của các hành tinh trong cung hoàng đạo tại thời điểm mọc lên của những decan nhất định, đặc biệt là Sothis.[31] Nhà chiêm tinh và thiên văn học Ptolemaeus sống ở Alexandria, ông là tác giả của cuốn Tetrabiblos. Tác phẩm này là nền tảng của chiêm tinh học phương Tây.[32]

Hy Lạp và La Mã

Cuộc chinh phạt châu Á của Alexandros Đại Đế khiến người Hy Lạp có cơ hội tiếp xúc với những ý tưởng từ Syria, Babylon, Ba Tư và Trung Á.[33] Khoảng năm 280 TCN, một tư tế đến từ Babylon là Berossus đã chuyển đến đảo Kos của Hy Lạp, giảng dạy về chiêm tinh và văn hóa Babylon.[34] Vào thế kỷ 1 TCN, có 2 loại thuật chiêm tinh, một là thuật chiêm tinh sử dụng horoscope để mô tả quá khứ, hiện tại, tương lai; loại thứ hai là theurgy, nhấn mạnh đến việc linh hồn bay đến những vì sao.[35] Ảnh hưởng của Hy Lạp đóng một vai trò quan trọng trong việc truyền bá lý thuyết chiêm tinh đến La Mã.[36]

Tài liệu đầu tiên đề cập đến chiêm tinh học ở La Mã chắc chắn đến từ nhà hùng biện tên là Cato. Năm 160 TCN, ông đã cảnh cáo các giám thị nông trại không được thỉnh giáo người Chaldea,[37] nhóm người được mô tả là 'những kẻ ngắm sao' người Babylon.[38] Trong mắt những người Hy Lạp và người La Mã, tên tuổi của Babylonia (cũng được biết đến là Chaldea) trở nên gắn liền với chiêm tinh học đến mức 'trí tuệ của người Chaldea' đồng nghĩa với thuật bói toán sử dụng hành tinh và vì sao.[39] Nhà thơ và nhà văn trào phúng người La Mã thế kỷ 2 là Juvenalis phàn nàn về ảnh hưởng lan rộng của người Chaldea, nói rằng "Người Chaldea vẫn được tin tưởng hơn cả; mọi câu từ mà nhà chiêm tinh thốt ra sẽ khiến họ [tức phụ nữ] tin là đến từ suối nguồn của Hammon [tức Jupiter]."[40]

Một trong những nhà chiêm tinh đầu tiên đưa thuật chiêm tinh Hermes đến La Mã là Thrasyllus. Ông là nhà chiêm tinh của hoàng đế Tiberius,[36] vị hoàng đế đầu tiên có nhà chiêm tinh hoàng gia.[41] Dù vậy, người tiền nhiệm của Tiberius là Augustus đã sử dụng chiêm tinh học để hợp pháp hóa quyền hoàng đế của mình.[42]

Thế giới Trung Cổ

Hindu

Bài chi tiết: Chiêm tinh học Hindu

Những văn bản chính mà chiêm tinh học Ấn Độ cổ điển dựa vào là những tuyển tập thuộc Sơ kỳ Trung Cổ, đặc biệt là Brihat Parashara Hora Shastra, và Saravali của quốc vương Kalyanavarman. Hora Shastra là một hợp tuyển gồm 71 chương, trong đó phần đầu tiên (chương 1–51) có niên đại từ thế kỷ 7 đến đầu thế kỷ 8, và phần thứ hai (chương 52–71) có niên đại là cuối thế kỷ 8. Tương tự như vậy, Saravali cũng có niên đại vào khoảng thế kỷ 8.[43]

Hồi giáo

Bản dịch tiếng Latinh của De Magnis Coniunctionibus, Venize, 1515

Sau khi thành phố Alexandria rơi vào tay người Ả Rập vào thế kỷ 7 và Nhà Abbas được thành lập vào thế kỷ 8, chiêm tinh học đã được các học giả Hồi giáo nghiên cứu.[44] Triều đại khalip Abbas thứ hai là Al Mansur (754–775) đã thành lập nên thành phố Bagdad đóng vai trò như một trung tâm học thuật. Thành phố này có xây dựng một trung tâm dịch thuật thư viện được gọi là "Ngôi nhà Trí tuệ" Bayt al-Hikma, nơi được thế hệ kế tục Al Mansur duy trì phát triển và là động lực chính cho những bản dịch tiếng Ả Rập-Ba Tư của các văn bản chiêm tinh học thời kỳ Hy Lạp hóa. Những dịch giả đời đầu bao gồm Mashallah, người giúp bầu chọn thời điểm thành lập Bagdad,[45]Sahl ibn Bishr (hay còn có tên gọi khác là Zael), người soạn ra những văn bản có ảnh hưởng trực tiếp đến các nhà chiêm tinh châu Âu về sau như Guido Bonatti (thế kỷ 13), và William Lilly (thế kỷ 17).[46] Kiến thức từ văn bản tiếng Ả Rập bắt đầu du nhập vào châu Âu trong các bản dịch tiếng Latinh thế kỷ 12.

Châu Âu

Dante Alighieri gặp gỡ Hoàng đế Justinianus tại tầng trời thứ hai (hay nói cách khác là tầng trời của Sao Thủy), trong Canto V của phần Paradiso, Thần Khúc

Cuốn sách về chiêm tinh học đầu tiên xuất bản tại châu Âu là Liber Planetis et Mundi Climatibus ("Quyển sách về hành tinh và khu vực trên thế giới"), xuất hiện từ năm 1010 đến năm 1027, và tác giả của nó có thể là Giáo hoàng Silvestro II.[47] Năm 1138, quyển sách Tetrabiblos (thế kỷ 2) của Ptolemaeus được Plato Tiburtinus dịch sang tiếng Latinh.[47] Nhà toán học thế kỷ 13 là Campanus xứ Novara được cho là người phát minh ra hệ thống chiêm tinh chia đường mão dậu (prime vertical) thành từng "nhà", mỗi "nhà" đều có độ dài cung tròn là 30°,[48] dù vậy hệ thống này đã được phương Đông sử dụng từ trước.[49] Nhà thiên văn học thế kỷ 13 Guido Bonatti đã viết một cuốn sách giáo khoa có tựa đề là Liber Astronomicus, bản sao của nó thuộc về Vua Henry VII của Anh vào cuối thế kỷ 15.[48]

Trong Paradiso (Thiên đàng), phần cuối cùng của Thần khúc, thi hào người Ý Dante Alighieri đề cập đến "hằng hà sa số chi tiết" về các hành tinh chiêm tinh.[50] Dẫu vậy, ông có điều chỉnh chiêm tinh học truyền thống sao cho phù hợp với quan điểm Cơ Đốc của mình.[50] Chẳng hạn như sử dụng tư duy chiêm tinh trong những lời tiên tri của ông về sự cải cách của những nước theo đạo Cơ Đốc.[51]

Tranh cãi thời Trung Cổ

Nhà thần học thời Trung Cổ, Isidorus thành Hipalis chỉ trích tính tất định của chiêm tinh học.

Vào thế kỷ 7, Isidorus thành Hispalis lập luận trong cuốn Etymologiae rằng thiên văn học mô tả chuyển động của thiên đàng, trong khi chiêm tinh học có 2 phần: một là khoa học mô tả chuyển động của mặt trời, mặt trăng và các vì sao; phần còn lại là đưa ra những dự đoán, theo thần học thì đó là quan niệm sai lầm.[52][53] Ngược lại, John Gower (thế kỷ 14) định nghĩa rằng chiêm tinh học cơ bản chỉ giới hạn trong việc đưa ra những dự đoán.[52][54] Nghiên cứu về ảnh hưởng của các vì sao được xếp vào phân nhánh thuật chiêm tinh tự nhiên, chẳng hạn như dự đoán tác động của vì sao đến thủy triều và sự tăng trưởng của thực vật, và thuật chiêm tinh phán đoán, dự đoán những tác động có thể xảy ra đối với con người.[55][56] Tuy nhiên, người theo chủ nghĩa hoài nghi là Nicole Oresme (thế kỷ 10) đã liệt thiên văn học là một phần của chiêm tinh học trong tác phẩm Livre de divinacions của ông.[57] Mặc dù Oresme lập luận rằng cách tiếp cận đương thời để dự đoán những sự kiện như bệnh dịch, chiến tranh, thời tiết là không phù hợp, nhưng những dự đoán kiểu như vậy vẫn là lĩnh vực đáng để nghiên cứu. Tuy nhiên, ông công kích việc sử dụng chiêm tinh học để chọn thời điểm hành động (cái gọi là thẩm vấn và bầu cử) là hoàn toàn sai lầm, và không chấp nhận việc quyết định hành động con người dựa trên những vì sao, vì nó giam cầm sự tự do ý chí của con người.[57][58] Tương tự như vậy, trong cuốn sách Contre les Devineurs (1411), thầy dòng Laurens Pignon (khoảng 1368–1449)[59] đã bác bỏ tất cả các hình thức bói toán và thuyết định đoạt, kể cả bói toán bằng vì sao.[60] Điều này trái ngược với quan điểm truyền thống của nhà thiên văn người Ả Rập Abu Ma'shar, tác phẩm của ông là Introductorium in Astronomiam and De Magnis Coniunctionibus cho rằng cả hành động của cá nhân và rộng hơn là lịch sử đều được định đoạt bởi vì sao.[61]

Cuối thế kỷ 15, Giovanni Pico della Mirandola đã viết tác phẩm Disputationes contra Astrologos công kích mạnh mẽ chiêm tinh học, cho rằng thiên đàng không phải là nơi gây ra, và cũng không báo trước sự kiện xảy ra ở trần thế.[62] Người cùng thời với ông là Pietro Pomponazzi, một "người theo chủ nghĩa duy lý và nhà tư duy phản biện", thì lại tin tưởng vào chiêm tinh học và phê bình sự công kích của Pico.[63]

Thời kỳ Phục Hưng và Cận đại

'Một nhà chiêm tinh bói horoscope' trong tác phẩm Utriusque Cosmi Historia (1617) của Robert Fludd

Các học giả thời Phục Hưng thường thực hành chiêm tinh học. Gerolamo Cardano đã bói horoscope cho vua Edward VI của Anh, còn John Dee là nhà chiêm tinh hoàng gia phụng sự nữ hoàng Elizabeth I của Anh. Catherine de Médicis đã chi tiền cho Nostradamus để xác minh dự đoán của nhà chiêm tinh Lucus Gauricus về cái chết của chồng bà là vua Henri II của Pháp. Những nhà thiên văn lớn hành nghề nhà chiêm tinh hoàng gia bao gồm Tycho Brahe thuộc hoàng gia Đan Mạch, Johannes Kepler phục vụ nhà Habsburgs, Galileo Galilei phục vụ nhà Medici, và Giordano Bruno, người bị thiêu trên cọc ở Roma vào năm 1600 vì bị cho là theo dị giáo.[64] Sự khác biệt giữa chiêm tinh học và thiên văn học không hoàn toàn rõ ràng. Những tiến bộ trong thiên văn học thường được thúc đẩy bởi mong muốn cải thiện độ chính xác của chiêm tinh học.[65]

Lịch thiên văn với các phép tính chiêm tinh phức tạp, và những cuốn niên lịch giải thích sự kiện thiên thể được sử dụng cho mục đích y học và chọn thời điểm gieo trồng, rất phổ biến ở Anh thời Elizabeth.[66] Năm 1597, nhà toán học và bác sĩ người Anh Thomas Hood đã tạo ra bộ dụng cụ bằng giấy sử dụng các lớp phủ quay vòng để giúp học trò tìm ra mối quan hệ giữa các ngôi sao hoặc chòm sao cố định, thiên đỉnh (midheaven) của đường hoàng đạo, và 12 "nhà" trong chiêm tinh.[67] Dụng cụ của Hood cũng minh họa các mối quan hệ được cho là giữa các cung hoàng đạo, các hành tinh, và những bộ phận trên cơ thể con người được tin là do hành tinh và cung hoàng đạo chi phối.[67][68]

Thời kỳ Khai sáng và về sau

Phụ nữ trung lưu ở Chicago thảo luận về thuyết duy linh. (1906)

Trong thời kỳ Khai sáng, giới tri thức không còn đồng tình với chiêm tinh học nữa, chỉ còn một số lượng lớn tín đồ tin vào những cuốn niên lịch rẻ tiền. Nhà biên soạn niên lịch người Anh, Richard Saunders, hưởng ứng tinh thần của thời đại bằng cách in một bài chế giễu có tựa đề Discourse on the Invalidity of Astrology, trong khi ở Pháp, cuốn Dictionnaire (1697) của Pierre Bayle cho rằng chiêm tinh học là trò trẻ con. Nhà văn châm biếm người Ireland gốc Anh là Jonathan Swift đã chế nhạo John Partridge, nhà chiêm tinh chính trị theo học thuyết Whig.[69]

Chiêm tinh học có dấu hiệu phổ biến trở lại từ thế kỷ 19, với vai trò là một phần quan trọng của sự hồi sinh thuyết duy linh – và sau này là trào lưu triết học New Age.[70]:239–249 Phương tiện thông tin đại chúng, chẳng hạn như báo horoscope cũng có ảnh hưởng đến sự hồi sinh của chiêm tinh.[70]:259–263 Đầu thế kỷ 20, nhà tâm thần học Carl Jung có phát triển một số khái niệm liên quan đến chiêm tinh học,[71] dẫn đến sự phát triển của thuật chiêm tinh tâm lý.[70]:251–256;[72][73]